QUYỀN ĐƯỢC DỐT VÀ QUYỀN ĐƯỢC YẾU KÉM

QUYỀN ĐƯỢC DỐT VÀ QUYỀN ĐƯỢC YẾU KÉM
QUYỀN-DUOC-DOT-VA-QUYỀN-DUOC-YEU-KEM-55



Tôi thật sự xúc động khi đọc bài "Đừng làm học sinh giỏi ở Việt Nam" của bạn trẻ Hoàng Huy được nhiều người chia sẻ trên mạng. Tôi cảm thấy đó là một bản tuyên ngôn thống thiết về quyền con người trong lĩnh vực giáo dục, quyền của các em học sinh muốn thoát khỏi vòng kim cô của tiêu chuẩn học sinh giỏi, nói nôm na là "quyền được dốt". Tôi vô cùng lạc quan trước viễn cảnh giới trẻ có suy nghĩ độc lập, biết từ chối những điều không hay mà người lớn muốn áp đặt cho họ. Họ từ chối làm học sinh giỏi vì, theo Hoàng Huy:

Một: Tốn rất nhiều thời gian cho việc học. Học mọi nơi, mọi lúc: ở lớp, ở nhà, học thêm, học luyện thi.... Đến nỗi không còn thời gian dành cho vui chơi giải trí, rèn luyện thân thể, hòa mình vào môi trường thiên nhiên. Thử hỏi khi ra đời với một thân thể yếu đuối, tâm hồn bạc nhược nghèo nàn thì có thể làm gì hữu ích?

Hai: Đã là học sinh giỏi thì phải giỏi toàn diện, nghĩa là phải giỏi cho tất cả các môn học. Điều đó giết chết ước mơ cá nhân, ngăn chặn việc phát huy năng khiếu. Trước câu hỏi: "Em thích làm gì?", câu trả lời của đa số học sinh giỏi là: "Em không biết". Ngán ngẩm thay!

Ba: Tiếp nhận một khối lượng kiến thức đồ sộ mà phần lớn không tỏ ra thiết thực gì cho nghề nghiệp tương lai. Nếu nghề sau này của bạn là diễn viên điện ảnh thì liệu các công thức vi phân, tích phân, bảng Mendéléev mà bạn ra sức nhớ thuộc lòng sẽ giúp bạn được gì? Nói thêm: Đấy là chưa kể biết bao lý thuyết mông lung, quá đát dầu bạn thấy rõ là vô ích nhưng phải tốn công học thuộc từng câu chữ. Ngược lại những kiến thức giúp bạn quản lý tốt thời gian, suy xét nhanh chóng sự vật như đường cong phân bố Gauss, biểu đồ Perati, tỉ lệ cân bằng sinh thái động vật...thì không thấy bóng dáng trong các bài giảng (hết nói thêm). Hơn nữa, tư duy của ngành giáo dục hiện nay quá lỗi thời trước thềm công nghệ 4.0. Thực vậy, tri thức nhân loại tích lũy từ thời cổ đến nay rất nhiều, cách học kiểu nhồi nhét không còn thích hợp nữa. Cách học hợp lý là học cách nhận biết, phân tích, tổng hợp sự kiện chứ không học để nhớ hết các sự kiện. Các phần mềm, Google, các tự điển trực tuyến sẽ giúp mọi người tiếp cận hầu hết tri thức kim cổ, từ ngôn ngữ của một bộ lạc xa xưa đến kiểu dáng xe Toyota mới nhất. Rõ ràng hình ảnh học sinh giỏi hiện nay là một kẻ ra sức kéo cày trong khi nhà anh có đủ trâu bò, thậm chí cả máy cày, máy kéo. Bạn biết tiết kiệm điện, nước, tài nguyên nhưng bạn không biết tiết kiệm não!

Bốn: Học sinh giỏi chỉ biết suy nghĩ theo hình mẫu, theo những thứ người khác cung cấp, không cần xem xét những điều đó đúng hay sai. Không thể có chuyện phản biện, tranh luận, đặt ngược vấn đề, không có suy nghĩ độc lập. Bạn cảm thấy một bài thơ nào đó của một nhà thơ danh tiếng không hay, một nhân vật nào đó của một nhà văn danh tiếng không ổn nhưng bạn phải im lặng và phát biểu đúng như sách giáo khoa. Cái tiêu chuẩn mỗi lớp phải đạt 90% giỏi, 10% khá luôn nhắc nhở bạn không được thoát khỏi những gì qui định sẵn.

Năm: Cuối cùng, theo cách hiểu của các bậc phụ huynh, học giỏi là phải đứng đầu sổ, hay ít nhất là thuộc vào top 2 hoặc top 3 của lớp. Những ai cố sức lọt vào các top đó thường xa dần bạn bè và cuối cùng thui thủi một mình với chiếc diện thoại cầm tay hay máy vi tính.

Trên đây là 5 điều gây tai họa cho những ai học giỏi, theo quan niệm của bạn Hoàng Huy. Bạn ấy còn nói thêm rằng các bậc phụ huynh nước ta thường nhầm lẫn "học giỏi" với "học tốt". Học giỏi là tiếp nhận một khối lượng kiến thức lớn để không biết làm gì. Trong lúc đó học tốt là vận dụng được một cách thông minh những gì học được vào đời sống. Người học giỏi giống như cây cảnh được trồng trong chậu để người ta ngắm. Vì vậy Hoàng Huy kêu gọi các bạn trẻ nên đòi "quyền được dốt" để được trồng ra ngoài vườn, sống với thiên nhiên, được hít thở không khí tự do và cống hiến cho đời hoa tươi quả ngọt.

Nhân chuyện giới học sinh đòi "quyền được dốt" tôi thấy các thầy cô cũng nên đòi "quyền được yếu kém". Bởi lẽ, nếu muốn là "tiên tiến xuất sắc" thì phải:

Một: Gian dối trong việc báo cáo thành tích, bất chấp thực trạng học tập của các em cao thấp ra sao, tỉ lệ học sinh khá giỏi phải như kế hoạch đề ra.

Hai: Suốt đời phải suy nghĩ và phát biểu như sách giáo khoa, dầu sự thật không phải như vậy.

Ba: Phải nể nang hết mọi người, phục tùng các cấp lãnh đạo, sẵn sàng thi hành những việc do chính quyền địa phương yêu cầu.

Bốn: Dầu lương tiền ít ỏi nhưng tốn nhiều sức lực, tiền của để tham gia tốt các cuộc thi được tổ chức thường xuyên như thi tay nghề, thi dạy giỏi, thi nấu ăn, thi áo dài...

Sơ qua vài nhận xét như vậy để thấy làm giáo viên ở nước ta khốn khổ như thế nào. Cái cách quản lý khắc nghiệt do bệnh thành tích tạo nên dễ làm nẩy sinh cái ác. Các vụ việc gần đây nói rõ điều đó. Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, ở nhà trường vừa xẩy ra 231 cái tát, một cọng rác rơi vào lớp, một câu nói vu vơ của học sinh đều được đội học sinh Sao Đỏ ghi nhận và báo cáo. Mô hình đó gợi lại hình ảnh của xã hội trong tiểu thuyết "1984" của G. Orwell, khi Big Brother đặt camera khắp nơi để kiểm soát hành vi mọi người dân. Có một tia sáng, tuy còn yếu ớt và muộn màng, lóe ra ở cuối đường hầm. Gần đây Bộ trưởng GD-ĐT nói rằng việc lưu ban lên lớp không nằm trong tiêu chuẩn thi đua nữa. Nếu Ông Bộ trưởng đi xa hơn một chút thì đỡ khổ cho biết bao người!

Nguồn: từ fb nhà giáo Trương Quang Đệ
Ảnh: họa si Đỗ Đức

Ngày: 14/1/2019 - đăng bởi: PhuongDT
PhuongDT 05/02/2020 07:01:40 PM

Tag: #Bài viết



:

----------------