Thiền là gì? - phần 1

Thiền là gì? - phần 1
Thien-la-gi--phan-1-12

Điều thứ nhất: thiền không phải là tập trung. Trong tập trung có một cái ta đang tập trung và có một đối tượng được tập trung vào. Có nhị nguyên. Trong thiền không có ai ở bên trong và không có gì ở bên ngoài. Nó không phải là việc tập trung. Không có phân chia giữa trong và ngoài. Cái trong chảy vào cái ngoài, cái ngoài chảy vào cái trong. Phân ranh giới, biên giới, đường biên không còn nữa. Cái trong là cái ngoài, cái ngoài là cái trong; nó là tâm thức bất nhị.

Tập trung là tâm thức nhị nguyên: đó là lí do tại sao tập trung tạo ra mệt mỏi; đó là lí do tại sao khi bạn tập trung, bạn cảm thấy kiệt sức. Và bạn không thể nào tập trung được trong hai mươi tư tiếng, bạn sẽ phải lấy ngày nghỉ để nghỉ ngơi. Tập trung chẳng bao giờ có thể trở thành bản tính của bạn được. Thiền thì không mệt mỏi, thiền không vắt kiệt bạn. Thiền có thể trở thành việc làm trong hai mươi bốn tiếng - ngày tới, ngày qua, năm tới, năm qua. Nó có thể trở thành vĩnh hằng. Nó chính là bản thân sự thảnh thơi.

 

Tập trung là hành động, hành động có ý chí. Thiền là trạng thái không ý chí, trạng thái không hành động. Nó là thảnh thơi. Người ta chỉ thả mình vào bản thể mình, và bản thể đó cũng giống hệt như bản thể của tất cả. Trong tập trung có kế hoạch, phóng chiếu, ý tưởng. Trong tập trung tâm trí vận hành từ kết luận: bạn đang làm điều gì đó. Tập trung bắt nguồn từ quá khứ.


Trong thiền không có kết luận sau nó. Bạn không làm bất kì điều gì đặc biệt, bạn chỉ đơn giản hiện hữu. Nó không có quá khứ, không bị quá khứ vấy bẩn. Nó không có tương lai, nó là sự thanh tịnh của tất cả tương lai. Nó là điều Lão Tử đã gọi là vi vô vi, hành qua bất hành. Đây là điều các thiền sư đã từng nói: ngồi im lặng không làm gì, xuân tới và cỏ tự nó mọc lên. Nhớ lấy, ‘tự nó’ - chẳng có gì phải làm cả. Bạn không kéo cỏ mọc lên; xuân tới và cỏ tự nó mọc lên. Trạng thái đó - khi bạn cho phép cuộc sống diễn ra theo ý riêng của nó, khi bạn không muốn hướng dẫn nó, khi bạn không muốn đưa ra bất kì việc điều khiển gì cho nó, khi bạn không thao túng, khi bạn không bó buộc bất kì kỉ luật nào lên nó - trạng thái của tự phát không kỉ luật thanh tịnh đó, chính đó là thiền.

 

Thiền là trong hiện tại, hiện tại thanh tịnh. Thiền là trực tiếp. Bạn không thể làmthiền, nhưng bạn có thể trong thiền; bạn không thể hiện hữu trong tập trung được, nhưng bạn có thể tập trung. Tập trung là con người, thiền là thiêng liêng.

 

Tập trung có một trung tâm trong bạn; từ trung tâm đó nó đi ra. Tập trung có cái ta trong bạn. Trong thực tế người tập trung thật nhiều sẽ bắt đầu thu thập cái ta rất mạnh. Người đó bắt đầu trở thành ngày một mạnh hơn, người đó bắt đầu trở thành ngày một nhiều ý chí hơn. Người ấy có vẻ tự chủ hơn, nhiều hơn mảnh mẩu.


Con người của thiền không trở thành mạnh mẽ: người ấy trở thành im lặng, người ấy trở thành an bình. Sức mạnh được tạo ra từ xung đột; tất cả các sức mạnh đều là từ cọ sát. Từ cọ sát sinh ra điện. Bạn có thể tạo ra điện từ nước: khi sông đổ từ núi xuống, có cọ sát giữa sông và đá, và cọ sát sinh ra năng lượng. Đó là lí do tại sao những người tìm kiếm sức mạnh bao giờ cũng tranh đấu. Tranh đấu tạo ra năng lượng. Bao giờ cũng là thông qua cọ sát mà năng lượng được tạo ra, sức mạnh được tạo ra. Thế giới liên tục đi vào trong chiến tranh mãi bởi vì thế giới bị quá chi phối bởi ý tưởng về sức mạnh. Bạn không thể mạnh mà không tranh đấu.

 

Thiền đem tới an bình. An bình có sức mạnh riêng của nó, nhưng đó là hiện tượng hoàn toàn khác. Sức mạnh được tạo ra từ cọ sát là bạo hành, hung hăng, nam tính. Sức mạnh - tôi đang dùng từ này bởi vì không có từ khác - sức mạnh bắt nguồn từ an bình, là nữ tính. Nó có duyên dáng của nó. Nó là sức mạnh thụ động, nó có tính tiếp nhận, nó là cởi mở. Nó không bắt nguồn từ cọ sát; đó là lí do tại sao nó không bạo hành.
Phật là mạnh mẽ, mạnh mẽ trong an bình của ông ấy, trong im lặng của ông ấy. Ông ấy mạnh mẽ như hoa hồng, ông ấy không mạnh mẽ như bom nguyên tử. Ông ấy mạnh mẽ như nụ cười của trẻ thơ... rất mảnh mai, rất mong manh; nhưng ông ấy không mạnh như lưỡi kiếm. Ông ấy mạnh mẽ, như ngọn đèn đất nhỏ, ngọn lửa nhỏ cháy sáng trong đêm tối. Đó là chiều hướng sức mạnh hoàn toàn khác. Sức mạnh này là cái chúng ta gọi là sức mạnh thiêng liêng. Nó không bắt nguồn từ cọ sát.

 

Tập trung là cọ sát: bạn tranh đấu với tâm trí bạn. Bạn cố gắng hội tụ tâm trí theo cách nào đó, hướng tới ý tưởng nào đó, hướng tới vật nào đó. Bạn bắt buộc nó, bạn đem nó trở lại mãi. Nó cố gắng thoát ra, nó chạy đi, nó đi lạc lối, nó bắt đầu suy nghĩ cả nghìn lẻ một thứ, và bạn đem nó lại và bạn bó buộc nó. Bạn đi vào tự tranh đấu. Chắc chắn sức mạnh được tạo ra; sức mạnh đó có hại như bất kì sức mạnh nào khác, sức mạnh đó là nguy hiểm như bất kì sức mạnh nào khác. Sức mạnh đó sẽ được dùng để làm hại ai đó, bởi vì sức mạnh tới từ cọ sát là bạo hành. Cái gì đó bắt nguồn từ bạo hành thì sẽ là bạo hành; nó sẽ mang tính phá huỷ. Sức mạnh tới từ an bình, không cọ sát, không tranh đấu, không thao túng, là sức mạnh của hoa hồng, sức mạnh của ngọn đèn nhỏ, sức mạnh của nụ cười trẻ nhỏ, sức mạnh của khóc lóc của phụ nữ, sức mạnh ở trong những giọt nước mắt và trong những giọt sương sớm. Nó là mênh mông nhưng không nặng nề; nó là vô hạn nhưng không bạo hành.
Tập trung sẽ làm cho bạn thành người có ý chí. Thiền sẽ làm cho bạn thành trống rỗng.
Đó là điều Phật đang nói cho Sariputra. Prajnaparamita có nghĩa đích xác là ‘thiền, trí huệ của cõi bên kia’.

Bạn không thể đem nó tới nhưng bạn có thể cởi mở với nó. Bạn không cần làm bất kì điều gì để đem nó vào trong thế giới - bạn không thể đem nó tới; nó ở bên ngoài bạn. Bạn phải tan biến để cho nó tới. Tâm trí phải dừng lại để thiền có đấy. Tập trung là nỗ lực của tâm trí; thiền là trạng thái vô trí. Thiền là nhận biết thanh tịnh, thiền không có động cơ trong nó.


Thiền là cây lớn lên mà không có hạt mầm: đó là phép mầu của thiền, điều ảo thuật, điều huyền bí. Tập trung có hạt mầm trong nó: bạn tập trung với mục đích nào đó, có động cơ, nó là nó động cơ. Thiền không có động cơ. Thế thì tại sao người ta phải thiền nếu không có động cơ?

Thiền đi vào trong sự tồn tại chỉ khi bạn đã nhìn vào trong tất cả các động cơ và thấy thiếu chúng, khi bạn đã đi qua cả vòng động cơ và bạn đã thấy cái giả dối của nó. Bạn đã thấy rằng động cơ chẳng dẫn đến đâu cả, rằng bạn cứ đi vòng tròn mãi; bạn vẫn còn như cũ. Động cơ cứ tiếp tục dẫn bạn đi, hướng bạn đi, gần như đưa bạn tới điên khùng, tạo ra ham muốn mới, nhưng chẳng đạt được cái gì cả. Đôi tay vẫn còn trống rỗng như trước. Khi điều này đã được thấy rõ, khi bạn đã nhìn vào cuộc sống bạn và thấy tất cả các động cơ của mình đều thất bại...


Không động cơ nào thành công, không động cơ nào lại đem được hạnh phúc cho bất kì ai. Động cơ chỉ hứa hẹn; hàng hoá chẳng bao giờ được giao. Động cơ này thất bại thì động cơ khác tới và lại hứa hẹn nữa với bạn... và bạn lại bị lừa nữa. Bị động cơ lừa đi lừa lại mãi, rồi một hôm bỗng nhiên bạn trở nên nhận biết - bỗng nhiên bạn nhìn vào nó, và chính cái nhìn đó là bắt đầu cho thiền. Nó không có hạt mầm trong đó, nó không có động cơ trong đó. Nếu bạn suy ngẫm về cái gì đó, thế thì bạn đang tập trung, không phải là thiền. Thế thì bạn vẫn trong thế giới - tâm trí bạn vẫn đang quan tâm tới những đồ rẻ mạt, tầm thường. Thế thì bạn vẫn là phàm nhân. Cho dù bạn thiền để đạt tới Thượng đế, bạn vẫn là phàm nhân. Cho dù bạn thiền để đạt tới niết bàn, bạn vẫn là phàm nhân - bởi vì thiền không có mục đích.

 

Từ "Tâm Kinh"

Ngày: 30/4/2019 - đăng bởi: PhuongDT
QuangPN 05/17/2021 11:04:46 PM

Tag: #Osho



:

----------------